Thuốc điều trị ung thư: Đắt tiền và độc hại

Các bệnh do ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai chỉ sau bệnh tim mạch. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân khi sử dụng thuốc điều trị ung thư phải tuân thủ chặt chẽ về liều lượng và hướng dẫn sử dụng.

Ung thư không phải là một bệnh, mà là tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô cơ thể bình thường. Bệnh ung thư xảy ra khi có tế bào không bình thường xuất hiện, sinh trưởng mất kiểm soát và hợp thành một khối u. Các tế bào ung thư dần dần sẽ phá hủy và xâm lấn các mô lành trong cơ thể, xuất phát từ các cơ quan lân cận cho đến toàn cơ thể.

Chuẩn bị xạ trị cho một bệnh nhân ung thư

Thống kê y học cho thấy có hơn 100 loại ung thư khác nhau. Ung thư thường được gọi tên theo cơ quan mà nó phát sinh. Ví dụ: Ung thư phổi phát sinh từ các tế bào ở phổi; ung thư đại tràng phát sinh từ các tế bào ở đại tràng… Ung thư cũng có thể được gọi theo loại tế bào hình thành chúng như: Ung thư biểu mô (carcinoma) hay ung thư mô liên kết (sarcoma). Ngoài ra, các ung thư có thể phát triển từ máu, như là các bệnh máu ác tính.

Điều trị ung thư đòi hỏi phải loại bỏ tất cả các tế bào có khả năng gây ung thư tái phát trong cuộc đời của một người. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư, trong đó các phương thức điều trị chính bao gồm: Phẫu thuật hoặc xạ trị đối với ung thư tại chỗ và còn khu trú tại chỗ-tại vùng; điều trị ung thư toàn thân đối với bệnh hệ thống. Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư lâu đời nhất và thường được tiến hành ngay khi có thể, nhất là với các khối u được tầm soát và phát hiện sớm khi chưa di căn.

Các phương pháp điều trị nói trên có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp cùng với các phương thức khác. Kích thước, loại ung thư, vị trí khối u có thể giúp đánh giá khả năng phẫu thuật và kết quả điều trị. Khi khối u đã di căn thường gây cản trở phẫu thuật và phương pháp này ít hiệu quả. Xạ trị có thể chữa khỏi nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là những bệnh ung thư khu trú hoặc có thể được bao trùm hoàn toàn trong trường bức xạ. Xạ trị kết hợp phẫu thuật (cho ung thư đầu cổ, thanh quản hoặc tử cung) hoặc kết hợp hóa trị với phẫu thuật (ung thư mô liên kết, ung thư vú, thực quản, phổi, hoặc trực tràng) giúp tăng khả năng chữa khỏi và cho phép giới hạn phạm vi phẫu thuật hơn.
Các phương thức điều trị ung thư toàn thân phải dùng hóa chất bao gồm:

  • Liệu pháp gây độc tế bào thông thường như: 5-Fluorouracil, Methotrexate, Daunorubicin, Cyclophosphamide.
  • Điều trị hormone đối với một số bệnh ung thư nhất định như: Tuyến tiền liệt, vú, nội mạc tử cung.
  • Liệu pháp miễn dịch bao gồm: Kháng thể đơn dòng, Interferon, thuốc điều chỉnh đáp ứng sinh học, vắc-xin phòng ngừa/điều trị khối u và liệu pháp tế bào (đối với nhiều loại ung thư khác nhau).
  • Các thuốc gây biệt hóa như: Retinoid (cho bệnh bạch cầu cấp tiền tủy bào) và chất ức chế Isocitrate Dehydrogenase-2 (cho bệnh bạch cầu cấp dòng tủy).
  • Các thuốc điều trị nhắm trúng đích áp dụng các kiến thức ngày càng phát triển về tế bào và sinh học phân tử như Imatinib cho bệnh bạch cầu mạn dòng tủy.

Bệnh nhân khi sử dụng thuốc điều trị ung thư phải tuân thủ chặt chẽ về liều lượng và hướng dẫn sử dụng. Đối với các loại thuốc dùng đường uống như: Anastrozol, Bicalutamid, Capecitabin (Xeloda), Erlotinib, Gefitinib, Imatinib, Sorafenib, Tamoxifen, Thalidomid, Vinorelbin… cần được tư vấn kỹ càng về thời gian sử dụng (trước hay sau ăn, không nghiền, nhai viên hay mở nang để hòa tan viên thuốc…). Dược sĩ lâm sàng sẽ cho bệnh nhân những lời khuyên cụ thể và bệnh nhân phải ghi nhớ khi sử dụng thuốc. Đối với các dạng thuốc để pha tiêm truyền cần phải pha chế bởi các nhân viên được đào tạo và có sự giám sát theo quy trình.

>>>>>Bài viết xem nhiều

Hiện nay, hóa trị liệu là phương pháp phổ biến để điều trị các bệnh ung thư. Khoảng 70% các trường hợp ung thư cần đến điều trị hóa chất. Các thuốc chống ung thư hầu hết là các thuốc gây độc tế bào, do đó liều lượng phải được tính chính xác dựa trên những đặc điểm của từng bệnh nhân (tuổi, giới, diện tích bề mặt cơ thể, các chỉ số sinh hóa…) và thuốc thường được pha loãng trước khi truyền cho bệnh nhân. Do vậy, việc chuẩn bị thuốc cho hoá trị liệu là một công việc pha chế theo đơn cần phải được thực hiện và giám sát bởi dược sĩ. Khoa Dược đảm nhiệm việc pha chế thuốc điều trị ung thư vào trong dịch truyền hoặc trong dung dịch tiêm cho khoa lâm sàng. Nơi chưa có điều kiện thì Khoa Dược phải xây dựng quy trình pha chế, hướng dẫn và kiểm soát việc pha thuốc ung thư cho người bệnh tại khoa lâm sàng.

Trong thực tế lâm sàng, các thầy thuốc thường sẽ kết hợp các phương pháp trên để xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp, dựa trên đặc điểm của khối u cũng như tình trạng của bệnh nhân. Các phương thức này có thể được kết hợp với điều trị ban đầu, cùng một lúc hoặc sử dụng trước sau. Mục đích chính của liệu pháp bổ trợ trước hoặc sau là để ngăn ngừa ung thư tái phát và tăng tỷ lệ sống sót.

Với các thành tựu trong điều trị ung thư, phương pháp điều trị tổng thể nên phối hợp giữa xạ trị, phẫu thuật và hóa chất tùy điều kiện cho phép trên từng cá thể bệnh nhân. Bác sĩ nên cân nhắc và trao đổi với bệnh nhân về các thử nghiệm lâm sàng khi có thể và thích hợp. Khi điều trị cần cân nhắc đến các tác dụng phụ có thể xảy ra với các ích lợi bệnh nhân đạt được, cần phải trao đổi thẳng thắn và có thể là sự tham gia của đội ngũ điều trị ung thư từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Các ưu tiên của bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời nên được xác định trong giai đoạn sớm của quá trình điều trị, để trao đổi với người nhà của bệnh nhân ung thư khi nói về thời gian sống có thể đạt được do lợi ích của phương pháp điều trị, chi phí và độc hại…

Thời gian sống thêm không bệnh hoặc không có tiến triển thường được xem như dấu hiệu cho việc điều trị khỏi và thời gian này khác nhau giữa các loại ung thư. Ví dụ: Ung thư phổi, đại tràng, bàng quang, u lympho tế bào lớn, hay ung thư tinh hoàn thường được coi là chữa khỏi sau 5 năm không mắc bệnh. Tuy nhiên, ung thư vú và tuyến tiền liệt có thể tái phát sau 5 năm, một tình trạng báo hiệu sự ngủ đông của khối u, một lĩnh vực đang được nghiên cứu nhiều hiện nay. Đối với một số bệnh nhân ung thư đã có tuổi, thời gian sống thêm sau khi áp dụng các biện pháp điều trị đạt khoảng 10 năm trở lên được coi là đã chữa khỏi ung thư.

ThS. Bs. Lê Quốc Thịnh

, ,